Việc dạy và học môn Tin học trong chương trình phân ban

•1.       Giới thiệu:Sự phát triển như vũ bão của Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) đóng vai trò không nhỏ trong sự phát triển chung của nhân loại. Mặc dù vậy, lâu nay chúng ta vẫn coi Tin học là môn “phụ”, hầu hết các học sinh khá, giỏi không chọn con đường trở thành giáo viên (GV) môn “phụ”. Chính vì vậy, khi chủ trương đưa Tin học trở thành môn chính, hầu hết các trường THPT đều thiếu GV! Các trường “chữa cháy” bằng cách chuyển GV các môn khác như Toán, Lý, Hóa,… sang dạy “kiêm nhiệm” Tin học hoặc tuyển các cử nhân Tin học của các trường ngoài Sư phạm tham gia giảng dạy. Điều này dẫn đến tình trạng chung là chuyên môn và nghiệp vụ Sư phạm không đi liền nhau. Làm thế nào để giải quyết thực trạng này là một câu hỏi khó! Bên cạnh đó, việc tất cả các ban học chung một giáo trình Tin học là điều bất cập cần giải quyết hiện nay.•2.       Tại sao cần phải phân ban môn Tin học?

Là những người trực tiếp giảng dạy Tin học tại một số trường Đại học, Cao đẳng chúng tôi nhận thấy rằng: chỉ có sinh viên (SV) các khối kỹ thuật mới học về lập trình (thường là ngôn ngữ lập trình C/C++, trừ các SV ngành CNTT còn học thêm một số ngôn ngữ lập trình khác), các ngành còn lại thường học Windows, Word, Excel. Như vậy, tại sao học sinh ban Khoa học xã hội (KHXH) phải học về lập trình trong khi định hướng của các em là thi vào các khối xã hội? Tại sao các học sinh ban Khoa học tự nhiên (KHTN) lại học quá nhiều về Windows, Word, Excel trong khi kiến thức mà các em sẽ sử dụng trong tương lai nhiều lại là C/C++. Để giải quyết câu hỏi này, việc phân ban môn Tin học trong các khối phổ thông cần phải được xem xét lại. Có thể nói, ngành Tin học là một ngành mũi nhọn quyết định sự phát triển của nhiều ngành nghề khác. Vì vậy, việc định hướng cho các em sớm tiếp cận với các công nghệ hiện đại là một việc làm cần thiết. Để làm tốt điều này, GV và giáo trình là hai yếu tố quyết định.

•2.1   Về phía giáo viên

Chúng ta rất cần những người tâm huyết và có chuyên môn cao cho việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thích nghi tốt với công nghệ hiện đại. Việc chuyên biệt hóa giáo viên cho các ban cũng cần được chú trọng nhằm mục đích nâng cao khả năng truyền đạt cũng như kinh nghiệm giảng dạy để định hướng cho các em chọn lựa chuyên ngành về sau.

Việc chuyển giáo viên từ các bộ môn khác hoặc tuyển cử nhân ngoài Sư phạm tham gia giảng dạy cần phải tính đến việc trau dồi chuyên môn và nghiệp vụ Sư phạm. Bộ GD&ĐT cần tính đến vấn đề này nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cũng như khả năng diễn đạt cho các giáo viên Tin học tương lai. Hằng năm các trường cho ra một lực lượng khá lớn các tân cử nhân CNTT ngoài Sư phạm, nếu chúng ta biết sử dụng tốt nguồn lực này (bằng cách bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ Sư phạm) sẽ đáp ứng cao nhu cầu đòi hỏi của môn học.

•2.2    Về phía giáo trình:

Giáo trình Tin học cho chương trình phân ban cũng là một yếu tố quan trọng. Sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh đã được học các khái niệm cơ bản về Tin học, Windows, Word, Excel. Việc dạy đi dạy lại các kiến thức này khiến đại bộ phận học sinh THPT nhàm chán! Chính vì vậy, cần có sự phân biệt rõ nội dung cần học giữa các ban là một việc làm cần thiết. Đối với ban KHTN, chúng ta chú trọng đến việc giúp các em hiểu được các khái niệm về lập trình, việc thiết kế các thuật toán và hiện thực chúng trên một ngôn ngữ lập trình cụ thể. Trong suốt 3 năm học, các em đã nắm được khá nhiều kiến thức về lập trình và vì vậy, các em dễ dàng thích nghi với việc nâng cao kiến thức trong tương lai. Nên chú trọng khuyến khích các em tham gia các CLB Tin học, viết các phần mềm đơn giản (chẳng hạn như các phần mềm trò chơi) để giúp các em có hứng thú với việc lập trình. Riêng với ban KHXH, chúng ta tập trung nâng cao kiến thức về Excel bởi vì đây là phần mềm rất quan trọng đối với các em sau này. Ngoài ra, việc rèn luyện tư duy thuật toán cũng cần thiết. Chính vì vậy, đây được xem là phần chung của các ban trong việc học tập môn Tin học ở bậc THPT. Riêng ban Cơ bản (CB), chúng ta cần dung hòa khối lượng kiến thức ở cả hai bên. Có như vậy mới giúp các em xem xét lựa chọn có nên học ngành học CNTT trong tương lai hay không?

•3.       Để dạy và học tốt môn Tin học 10.

Tin học là môn học đòi hỏi nặng về thực hành trên máy tính nhưng do chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nên hiện nay nhiều nơi trong cả nước tình trạng dạy chay, học chay khá phổ biến, nhất là các tỉnh, huyện miền núi. Vậy, có hợp lý không khi quyết định đưa môn Tin học thành môn học chính ở lớp 10? [3].

“Hiện giáo viên có trong tay 3 bộ SGK và tài liệu phục vụ việc dạy học: Sách giáo khoa, sách giáo viên và chuẩn chương trình”. “Các giáo viên phải nắm được “tư duy” của sách giáo khoa và tài liệu”[1]

Để dạy tốt môn học, giáo viên phải nắm được chuẩn chương trình, kỹ năng, yêu cầu của chương trình đến đâu. Bên cạnh đó, sách giáo viên có thể giúp mở rộng thêm về cách trình bày, cách dạy học sinh những kiến thức trong sách giáo khoa (SGK). Đặc biệt, đối với SGK, các giáo viên phải nắm được “tư duy” của cuốn sách, cái gì thuộc về kiến thức cơ bản thì mới cần đến những “đáp án”, còn cái gì thuộc về sáng tạo, nâng cao thì nên “thử sức”[2].

Dù là người truyền đạt lại những kiến thức khoa học, nhưng giáo viên phải có hứng thú mới tâm huyết trong giảng dạy được. Riêng giáo viên dạy môn Tin học, việc sử dụng máy vi tính và các thiết bị dạy học trong giảng dạy cũng có thể góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy học, vì đây là một “công cụ” không chỉ giúp dạy tốt môn Tin học trong nhà trường mà còn là phương tiện để dạy các môn học khác.

Bên cạnh SGK và tài liệu, giáo viên còn có thể tham khảo những quyển sách bài tập. Tuy nhiên, hình thức ra bài tập, hình thức kiểm tra, tổ chức dạy học đến đâu cũng phải chú trọng đến việc tạo dựng môi trường học tập mới cho học sinh.

Trước hết phải đổi mới quản lý, đổi mới cả quy trình dạy- học- kiểm tra- thi… thì mới đổi mới được việc dạy và học. Tuy nhiên, giáo viên là nhân tố quan trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, do đó tâm huyết và sự tìm tòi, sáng tạo trong giảng dạy của giáo viên rất cần thiết, nhất là khi một bộ SGK mới được đưa vào học đại trà.

Riêng với học sinh, khi bước vào học môn Tin học ở lớp 10 cũng có những thuận lợi. Môn Tin học hiện đang có sức hấp dẫn nhất định (hấp dẫn ở sự mới mẻ và ở nhu cầu học hỏi, hiểu biết về Tin học trong xã hội…). Nhất là những học sinh ở khu vực thành thị, có điều kiện tốt về máy móc, phương tiện tiếp cận với Tin học, thì hứng thú tìm hiểu về Tin học cũng tăng theo. Môn Tin học còn là công cụ để học sinh học tốt hơn nhiều môn học khác, giúp học sinh có cách học hiện đại hơn, hiệu quả hơn, mở mang thêm nhiều kiến thức. Ví dụ: Việc vào Internet tìm kiếm thông tin (tranh thủ các thông tin trên mạng) có thể giúp học tốt hơn những môn như Toán, Địa lý, Lịch sử… Tuy nhiên, những người biên soạn SGK Tin học thống nhất là trong trường phổ thông chỉ dạy “sử dụng máy vi tính” cho học sinh. Nhà trường chỉ giúp học sinh nắm được những kỹ năng, kiến thức về máy vi tính, tạo môi trường để học sinh tìm hiểu về Tin học, giúp học sinh có một số kiến thức cần thiết và có thể tự tìm hiểm thêm (những kỹ năng cao hơn) nếu có nhu cầu và hứng thú.

Chúng ta phải đi từ việc giúp học sinh “cảm nhận” được, rồi đến “tư duy” được, sau mới là những mức cao hơn, rộng hơn.

Dùng CNTT để mở rộng kiến thức đã học ở nhà trường là điều đáng khuyến khích, tuy nhiên với học sinh việc sử dụng Internet cũng cần có “chừng mực”, càng không nên tìm hiểu CNTT để chơi game, chat…

•4.       Kết luận:

Việc phân ban môn Tin học trong nhà trường trung học phổ thông là cần thiết. Nhưng do yêu cầu thực tế là  môn học này đòi hỏi phải có máy móc thiết bị đầy đủ. Vì thế chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tiến hành việc học đại trà. Về phía giáo viên cần phải trau dồi chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm nhằm đáp ứng đòi hỏi cao của môn học này.

Nguồn

ThS Võ Đình Bảy – Phạm Văn Danh
Viện Nghiên cứu Giáo dục – Trường ĐH Sư phạm TPHCM